Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Cảnh báo nguy hiểm trẻ em bị vật nuôi tấn công

2025-04-03 21:53:00.0

Ngày 2/4, Khoa Ngoại Nhi, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã tiếp nhận 2 trường hợp trẻ em ở TP. Thái Nguyên bị vật nuôi tấn công với nhiều thương tích nghiêm trọng.

Ảnh minh họa

Trường hợp thứ nhất: Bé trai 3 tuổi, tên N.N.M, ở phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên) bị chó nhà cắn, gây vết thương nghiêm trọng vùng bẹn và đùi phải, dài 15 cm. May mắn, không tổn thương mạch máu.

Trường hợp thứ hai: Bé trai 12 tuổi, tên N.T.T. (phường Hương Sơn, TP. Thái Nguyên) bị khỉ nuôi tấn công khi đang chơi ở sân nhà, gây vết thương sâu ở đùi phải và cẳng chân trái, có nguy cơ nhiễm trùng cao. Sau khi tiếp nhận và thăm khám, cả hai bệnh nhi đã được phẫu thuật kịp thời và hồi phục tốt.

Qua sự việc của 2 bệnh nhi, các bác sĩ khuyến cáo: Trẻ nhỏ không nên tiếp xúc vật nuôi khi ở một mình. Gia đình cần cách ly trẻ em với vật nuôi ở khoảng cách an toàn, đặc biệt khi vật nuôi đang ăn, đang nuôi con hoặc bị thương. Bên cạnh đó, phải chú ý tiêm vắc-xin phòng dại định kỳ cho vật nuôi, xúc vật đi ra ngoài phải được rọ mõm.

Khi trẻ bị vật nuôi cắn, các phụ huynh cần rửa sạch vết thương bằng nước và xà phòng sát khuẩn, băng bó cầm máu nếu chảy nhiều, nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Hiện nay, dự phòng dại bằng huyết thanh và vắc-xin là giải pháp duy nhất và hiệu quả nhất để bảo vệ tính mạng khi không không may bị vật nuôi cắn. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, huyết thanh kháng dại cần được tiêm càng sớm càng tốt vào ngày đầu sau khi bị cắn. Trường hợp không thể tiêm vào ngày đầu sau khi bị cắn thì tiêm trong vòng 7 ngày sau mũi vắc-xin đầu tiên. Cần tiêm vắc-xin phòng dại sớm với số liều tùy thuộc miễn dịch với dại đã có trước đó, tình trạng vết cắn và tình trạng con vật.

Việc tự ý điều trị bằng thuốc nam, đắp lá cây,… chưa được chứng minh có hiệu quả phòng bệnh, ngược lại có thể gây nguy hiểm. Không những vậy, còn tạo điều kiện cho virus xâm nhập vào cơ thể nhanh chóng hơn hoặc gây ra các tình trạng nhiễm trùng.

Minh Tâm (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên)
thainguyen.gov.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 192969